Lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Thứ sáu - 14/07/2017 00:20
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp, nên hay không?
  1. Xu hướng:
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường ngày càng tăng. Đây là sự thay đổi tất yếu, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan từ cách nhà đầu tư cũng như nguyên nhân khách quan từ phía thị trường.
Một mặt, các nhà đầu tư trẻ đầy hoài bão tham gia thị trường thông qua việc thành lập một doanh nghiệp mới để tận dụng khả năng của bản thân, nắm bắt những cơ hội ngàn vàng. Những nhà đầu tư kì cựu lại lựa chọn doanh nghiệp là một sự khởi đầu mới để áp dụng những kỹ năng, vốn kiến thức tích lũy để phát triển kinh doanh.
Mặt khác, thị trường kinh tế trong nước đang có những bước chuyển mình khi hội nhập sâu, rộng với kinh tế khu vực ASEAN và kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA – Free Trade Agreement). Đây là cơ hội quý giá cho những nhà đầu tư trong nước để nắm bắt trước khi các doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm của nước ngoài chiếm lĩnh hết thị phần trong nước.

(theo Tình hình chung về đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 - Nguyễn Thu Hà - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)
Nắm bắt được xu hướng trên, Nhà nước đã và đang tạo ra hành lang pháp lý minh bạch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới có khả năng phát triển, cụ thể:
  • Ban hành Luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực từ 01/07/2015 và các văn bản hướng dẫn;
  • Ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, sẽ có hiệu lực từ 01/01/2018.
Có thể thấy, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, chú ý cho các doanh nghiệp mới thành lập khi ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm chỉ tập trung cho 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
  1. Phân tích thực tiễn:
  • Thủ tục thành lập
Hiện nay, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay đã được rút gọn, đơn giản hóa:
- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) xuống 03 ngày làm việc;
- Hồ sơ không cần phải có văn bản xác nhận vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề.
  • Một số ưu – nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp
Rủi ro và lợi nhuận trong kinh doanh là hai vấn đề luôn song hành. Bởi vậy, các nhà đầu tư luôn tìm cách để giảm thiểu tỷ lệ rủi ro và một trong số đó là thành lập loại hình doanh nghiệp phù hợp. Vậy, thực tế hiện nay, các nhà đầu tư ưa thích sử dụng loại hình doanh nghiệp nào? Số liệu thống kê dưới đây của Cục quản lý đăng ký kinh doanh sẽ cho ta thấy rõ xu hướng của các nhà đầu tư:
TT Loại hình doanh nghiệp Số lượng doanh nghiệp thành lập mới
6 tháng
đầu năm 2016
6 tháng
đầu năm 2017
1 TNHH 1 thành viên 29.343 34.493
2 TNHH 2 thành viên 13.882 14.749
3 Công ty cổ phần 9.026 10.397
4 Doanh nghiệp tư nhân 2.242 1.627
5 Công ty hợp danh 8 10
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo loại hình
(theo Tình hình chung về đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 - Nguyễn Thu Hà - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)
Căn cứ vào số liệu trên có thể thấy, nhà đầu tư ưa thích loại hình “Công ty TNHH” và “Công ty cổ phần” để triển khai hoạt động kinh doanh, các loại hình khác như “Doanh nghiệp tư nhân”, “Công ty Hợp danh” ít được lựa chọn hơn. Những phân tích dưới đây sẽ giúp độc giả lý giải một phần thực tế nêu trên, qua đó giúp độc giả tìm được loại hình doanh nghiệp phù hợp để triển khai hoạt động kinh doanh của mình:
 - Công ty TNHH 1 thành viên có số lượng đăng ký thành lập mới cao bởi có nhiều ưu điểm: Chế độ trách nhiệm của Công ty TNHH 1 thành viên là trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro của chủ sở hữu không cao khi so sánh với doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, chủ sở hữu được toàn quyền định đoạt hoạt động của doanh nghiệp nên nhiều nhà đầu tư lựa chọn hình thức này để tham gia thị trường.
  • Công ty TNHH 2 thành viên là loại hình doanh nghiệp có nhiều nét tương đồng với công ty TNHH 1 thành viên nhưng ở hình thức doanh nghiệp này có nhiều chủ sở hữu. Các đồng sở hữu san sẻ rủi ro và lợi nhuận trong quá trình hoạt động.
  • Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có khả năng huy động vốn cao nhất khi có thể phát hành cổ phiếu. Các cổ đông tham gia công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của các cổ đông không cao. Tuy nhiên, công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức phức tạp hơn các loại hình doanh nghiệp khác.
  • Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp không có tính pháp nhân, do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, khi so sánh với công ty TNHH 1 thành viên, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chịu rủi ro rất lớn; cùng với đó, khả năng huy động vốn của hình thức doanh nghiệp này rất hạn chế.
  • Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp đặc biệt khi mang nhiều đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH. Thành viên công ty hợp danh bao gồm: Thành viên hợp danh (phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty) và thành viên góp vốn (chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty). Như vậy, tại công ty hợp danh, thành viên hợp danh của công ty vẫn chịu rủi ro cao khi tham gia vào thị trường nhưng khả năng huy động vốn cao hơn doanh nghiệp tư nhân khi có thể bổ sung thêm thành viên góp vốn hoặc thành viên hợp danh.
 
 

Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐĂNG TRIỀU

Nguồn tin: iqlaws.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đăng kí tư vấn


Kiến thức pháp luật
[FOOTER]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây