Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài theo luật mới

Thứ hai - 12/12/2016 12:00
Ngày 01/01/2016, Luật Hộ tịch 2014 chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là lần đầu tiên có một luật chuyên ngành và độc lập quy định về các vấn đề liên quan đến hộ tịch. Trong đó có thể kể đến thay đổi quan trọng về thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
ket hon nuoc ngoai
ket hon nuoc ngoai

Về thẩm quyền: Trước thời điểm Luật hộ tịch 2014 có hiệu lực, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 126/2014/NĐ – CP của Chính Phủ hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình. Theo quy định cũ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam hoặc Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chính là các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài hoặc cả hai cùng ở nước ngoài. Trừ trường hợp công dân Việt Nam ở khu vực biên giới kết hôn với công dân nước ngoài của nước láng giềng sẽ được giải quyết tại UBND cấp huyện.

Tuy nhiên điều này đã được sửa đổi theo quy định của điều 37 Luật hộ tịch 2014, các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài sẽ được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân Việt Nam cư trú. Cụ thể:

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.

Về thủ tục

Theo quy định tại Điều 38 Luật hộ tịch được hướng dẫn bởi Điều 30, 31, 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì thủ tục cần những giấy tờ sau đây :

1) Hai bên nam, nữ khai vào một Tờ khai đăng ký kết hôn (có thể khai chung);

 2) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

 3) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài (là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.)

4) Công dân Việt Nam đang cư trú ở trong nước xin đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện cũng phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đăng kí tư vấn


Kiến thức pháp luật
[FOOTER]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây